Banner
TUỔI TRẺ CÀ MAU TỰ HÀO, VỮNG TIN THEO ĐẢNG
VIDEO - PHÓNG SỰ
  • CLB Lý luận trẻ - “Hạt nhân” đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
  • Bản tin Tuổi trẻ Cà Mau số 4
  • Bản tin tuổi trẻ Số 3
  • Bản tin Tuổi trẻ Cà Mau (Số 02)
1 
FANPAGE TUỔI TRẺ CÀ MAU
CỬA HÀNG THANH NIÊN CÀ MAU
VỊ TRÍ TỈNH ĐOÀN CÀ MAU
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 138
  • Trong tháng: 9 473
  • Tất cả: 191060
VỀ VÙNG ĐẤT THÉP
Màu chữ
Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hành trình của Tuổi trẻ Cà Mau đến vùng đất thép, thành đồng được nghe những câu chuyện lịch sử sống động hơn bao giờ hết, để tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của bao thế hệ cha ông.  
anh tin bai

Tuổi trẻ Cà Mau trang nghiêm tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại địa đạo Củ Chi, tp. Hồ Chí Minh

 

“Những tên người được khắc trên các bức tường chính là những người liệt sĩ đã hi sinh tại Củ Chi trong thời kháng chiến”, lời giới thiệu của người quản lý đã làm chúng tôi lặng đi. Đã nghe về địa đạo, đã chứng kiến sự hào hùng của quân và dân Củ Chi qua nhiều thước phim tư liệu, sách báo, nhưng đây là lần đầu nhiều bạn trẻ được đến nơi đây, một minh chứng hùng hồn cho tội ác của giặc Mỹ và sự hào hùng đi vào lịch sử của vùng đất thép, thành đồng.

anh tin bai

Trên những bức tường là tên của hơn 45 ngàn liệt sĩ

Trong không khí nghiêm trang, Đoàn tuổi trẻ Cà Mau tiến vào Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi với sự tiếc thương, tự hào về tinh thần hi sinh quả cảm, lớn lao của người người chiến sĩ, nhân dân tại vùng địa đạo. Hơn 45 ngàn liệt sĩ được khắc tên tại đền, trong đó có hơn 14 ngàn liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành phố khác và 800 liệt sĩ không rõ quê quán. Những nén hương được thắp lên để tri ân, tưởng nhớ đến những người con trung kiên đã hi sinh tại vùng đất thép. Hành trình về nguồn, tuổi trẻ Cà Mau đã được nhìn lại sự hi sinh của những người Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng, liệt sĩ để hun đúc thêm quyết tâm cống hiến, xây dựng quê hương. “Cảm thấy sự hi sinh chiến công của cha anh quá hào hùng”, khó giấu được niềm xúc động khi nghe kể, chứng kiến những sự hi sinh quá lớn lao của những người quyết giữ từng tấc đất quê hương, chị Nguyễn Phương Linh, Bí thư Huyện đoàn Phú Tân chia sẻ. “Đến với địa đạo Củ Chi làm mình suy nghĩ nhiều hơn về những giá trị của độc lập dân tộc và càng hun đúc tinh thần yêu nước trong giai đoạn gian khó trước và ngày hôm nay. Trong thời gian tới bản thân sẽ đóng góp sức trẻ nhiều hơn để cống hiến cho xã hội, cho Tổ quốc”, chị Linh chia sẻ thêm.

anh tin bai

Trải nghiệm đi dưới tuyến đường hầm tại địa đạo giúp đoàn viên hiểu hơn về công trình vĩ đại của cha ông

 

Đến tìm hiểu, trải nghiệm, tuổi trẻ hôm nay lại được nghe để hiểu thêm về sự hi sinh anh dũng tại đất thép, thành đồng. Cùng với những thước phim tư liệu, sa bàn tái hiện là trải nghiệm trên tuyến đường hầm. Bước chân vào khu vực hầm khi những âm thanh đã dần biến mất, ánh sáng cũng chợt tắt đi nhưng niềm tự hào về lịch sử lại dâng trào. Đoàn được nghe kể mỗi lần tham gia đào hầm được chia thành nhóm khoảng 4 người thực hiện các công việc đào đất, vận chuyển và dời đất. “Tất cả làm trong im lặng và giữ bí mật tuyệt đối để bảo vệ nơi này, chỉ bằng những dụng cụ thô sơ mà quân và dân Củ Chi đã đào được hệ thống đường hầm gồm 3 tầng xuống sâu nhất tới 12m”. Những thông tin được hướng dẫn viên kể lại càng làm cho mỗi bước đi của tuổi trẻ hôm nay trong lòng địa đạo là một lần tự hào. Được hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948), Địa đạo Củ Chi minh chứng cho sức mạnh và ý chí quật cường, quân và dân Củ Chi đã kiến tạo được một hệ thống đường hầm dọc ngang, nhiều tầng, xuyên trong lòng đất, kết hợp với khoảng 500km chiến hào, công sự trên mặt đất như “thiên la địa võng. Với tầm vóc chiến công, địa đạo Củ Chi đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam. Chị Trịnh Thị Hoài Mộng, Bí thư Xã đoàn Lợi An, huyện Trần Văn Thời xúc động cho biết qua chuyến tham quan thấy sức mạnh của quân đội tai nhân dân ta sử dụng những dụng cụ thô sơ làm đường hầm. “Cảm xúc hiện tại của tôi chính là sự tự hào, là quyết tâm nhiều hơn, không chỉ tôi mà các bạn tham gia hành trình quyết tâm tuổi trẻ cố gắng phấn đấu cống hiến, góp phần nhỏ bảo vệ Tổ quốc”, chị Mộng bộc bạch.

anh tin bai

Sa bàn mô tả hệ thống đường hầm địa đạo, công trình cũng là tường thành dưới lòng đất cùng quân và dân Củ Chi đánh giặc

 

Chọn vùng đất lửa làm điểm về nguồn cũng là nơi để ngọn lửa cách mạng của thế hệ đi trước được truyền lại đến với những đoàn viên, thanh niên Cà Mau tham gia hành trình ý nghĩa. Địa đạo Củ Chi là một kỳ quan đánh giặc với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất. Có các công trình liên hoàn như chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất giấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm. Nay đã thành những di tích như địa đạo bến Đình, bến Dược, khu tái hiện làng giải phóng, di tích lịch sử Chiến khu rừng Sác, Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược. Đại úy Nguyễn Bảo Chung, Trợ lý Bảo vệ An ninh, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau chia sẻ “thông qua sách báo bản thân đã có tìm hiểu nhưng qua từ chuyến đi thực tế lại cảm thấy ý nghĩa vô cùng lớn, tác động đến nhận thức và suy nghĩ của mình. Khi tham quan thực tế và gặp gỡ những nhân chứng lịch sử, qua câu chuyện các chú, các bác đi trước kể lại cảm thấy vô cùng tự hào. Là thủ lĩnh đoàn của đơn vị nhận thấy hành trình về nguồn, về các địa chỉ đỏ vô cùng ý nghĩa, tôi sẽ tham mưu để đoàn viên đơn vị được tham gia hoạt động trải nghiệm như thế này”.

 
anh tin bai

Từng khu vực tại di tích đều mang những chiến công của thời hoa lửa

Với giá trị tiêu biểu, Địa đạo Củ Chi đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Đây cũng là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, tri ân công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

anh tin bai

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải cùng tuổi trẻ trong hành trình giáo dục truyền thống tại địa đạo Củ Chi

Về với Củ Chi, tuổi trẻ Cà Mau đã được đi, được đến và lắng nghe, những câu chuyện lịch sử hào hùng càng làm mỗi người thêm yêu hơn những giá trị của độc lập dân tộc để chung sức gìn giữ, dựng xây.

 

Trịnh Hải - CTV

TỈNH ĐOÀN CÀ MAU

Số 97, Phan Ngọc Hiển, Phường 5, Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau

Điện thoại: (02903) 815.787 - 831.250 - Fax: (02903) 834.423

Giấy phép số 197/GP - TTĐT ngày 04/12/2009 của Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử

Tên miền: www.tinhdoancamau.com.vn

Ban biên tập Email: tinbaiwebsitetinhdoan@gmail.com

Ghi rõ nguồn: "Website Tỉnh đoàn Cà Mau" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ipv6 ready