Nhiều năm gắn bó với con cá bổi, có thời gian bị ảnh hưởng vì đầu ra bấp bênh, tuy nhiên anh thanh niên Khmer Thạch Văn Tôi, Bí thư chi đoàn ấp 7, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời vẫn kiên trì thực hiện.
Sau 8 năm, đến nay anh Tôi đã vững vàng hơn từ kinh nghiệm cùng sự kết hợp đa con trên cùng diện tích, tìm thêm mô hình lấy ngắn nuôi dài.
Từ 2 ao ban đầu, đến nay anh Tôi đã mở rộng diện tích với 4 ao nuôi cá bổi
Bắt đầu tập trung mô hình nuôi cá bổi thời điểm năm 2016, từ 2 ao ban đầu đến vụ nuôi năm nay, anh Thạch Văn Tôi, Bí thư chi đoàn ấp 7, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời mở rộng lên 4 ao trên diện tích khoảng 7000m2. Mỗi năm 1 vụ, cá được thả lần lượt từ sau tết Nguyên đán, khoảng tháng 10 âm lịch gia đình bắt đầu thu hoạch. Bí quyết của anh Tôi chính là khâu chuẩn bị ao đầm sau mỗi vụ nuôi. Ao tát khô, sên bùn cũ, đánh thêm vôi, xử lý khuẩn mới đưa nước vô nuôi. Đặc biệt nguồn con giống được gia đình tự ương hoặc mua thêm từ các trại giống tỉnh ngoài có nguồn gốc rõ ràng. Đến nay tỉ lệ đạt đầu con của mô hình trên 90%, ước vụ nuôi năm nay có sản lượng khoảng 27 tấn.
Từ việc cho ăn, chăm sóc, anh Tôi quan sát, nắm tình hình sức khỏe cá để có điều chỉnh trong việc thả nuôi để đạt năng suất
Anh Thạch Văn Tôi cho biết nuôi cá bổi không khó nhưng phải bỏ công ra nhiểu để chăm sóc, đặc biệt là khi cá lớn mỗi ngày duy trì cho ăn 3 cử. “Từ việc thường xuyên ra thăm ao mình cũng quan sát những dấu hiệu của cá, kịp thời điều chỉnh khi có những vấn đề phát sinh như nấm bệnh, nguồn nước”. Một điều lo lắng của người Bí thư chi đoàn ấp 7 chính là giá cả cá bổi. “Nuôi cá hiệu quả kinh tế cao tuy nhiên có nhiều năm không như kỳ vọng khi giá xuống thấp. Thương lái thu mua nhiều, đầu ra ổn nhưng giá thị trường bấp bênh khiến người nuôi gặp khó”, anh Tôi nói.
Trong năm 2024, anh tận dụng phần đất gia đình để làm mùng nuôi ếch và cá rô
Với kinh nghiệm nuôi cá tích lũy, đến nay mô hình của người thanh niên Khmer mang đến nguồn thu khá mỗi năm. Đầu ra mô hình ổn định nhưng giá cá bổi bấp bênh, thời điểm xuống thấp như năm 2023, với giá bán 25 - 29 ngàn đồng loại kích cỡ 8 con/ký, gia đình vẫn có lãi hơn 220 triệu đồng. Để con cá phát triển ổn định, anh Tôi duy trì việc cung cấp thức ăn, phòng trừ bệnh, môi trường nước cũng được xử lý định kỳ nửa tháng đến 20 ngày/1 lần. Trong năm 2024, tận dụng diện tích mặt nước sẵn có của gia đình anh xây dựng mô hình nuôi ếch và cá rô. Với thời gian nuôi ngắn, đây cũng là nguồn thu ổn định, giúp gia đình lấy ngắn nuôi dài phát triển kinh tế. Nói về lí do triển khai thêm các mô hình tại gia đình, anh Thạch Văn Tôi nói: “Vì ếch, cá rô, cá bổi khá giống nhau về điều kiện chăm sóc nên với kinh nghiêm tích lũy, mở rộng thêm mô hình là giải pháp để tăng thu nhập. Công việc hàng ngày tuy nhiều nhưng với vai trò là Bí thư chi đoàn ấp, Ủy viên Hội LHTNVN xã Khánh Bình Đông, tôi cũng thường xuyên tham gia các hoạt động phong trào. Đặc biệt khi đoàn viên, thanh niên địa phương có nhu cầu học hỏi, nhân rộng mô hình nuôi cá tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ bí quyết giúp các anh em phát triển kinh tế gia đình, lập nghiệp tại quê hương”.


Sau 2 tháng nuôi hiện nay ếch đạt trọng lượng 3 - 4 con/ký
Đến tham quan mô hình của anh thanh niên Khmer Thạch Văn Tôi, anh Phạm Hoàng Long, Bí thư Xã đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời cho biết đây là một điển hình tiêu biểu trong đoàn viên thanh niên tại địa bàn, đồng thời cũng nhận được giấy khen, bằng khen của các cấp Đoàn – Hội. “Thời gian tới với gốc độ đoàn thanh niên sẽ tiếp tục đề xuất Đảng ủy, UBND xã tiếp tục có sự hỗ trợ, đặc biệt trong việc nạo vét kênh mương, giúp mô hình nuôi cá bổi của anh Tôi và bà con trên tuyến thuận lợi, phát triển hơn”, anh Long cho biết.
Đây cũng là điển hình tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp Bí thư chi đoàn, cán bộ Hội LHTNVN xã Khánh Bình Đông
Không để đất trống, anh Tôi luôn tận dụng xây dựng mô hình mới, phù hợp với khả năng, kinh nghiệm của mình. Là Ủy viên Ủy ban Hội LHTN Việt Nam của xã Khánh Bình Đông, năm 2024 anh cũng tập hợp các hộ nuôi lân cận hướng tới thành lập tổ hợp tác với 15 thành viên. Qua khảo sát các hộ đều duy trì ao nuôi, diện tích từ 700 đến 3000m2 mỗi ao.
Với định hướng tiến tới kinh tế tập thể, người bí thư chi đoàn, thủ lĩnh thanh niên tại địa bàn tiếp tục bắt tay với nông dân chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng thị trường, phát triển mô hình nuôi cá. Gắn với đó là quá trình lập thân lập nghiệp tại quê hương, không ngại khó khăn để tìm hướng đi bền vững.