Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, có
không ít tin giả, tin xấu độc đang tồn tại, lan truyền nhanh chóng, rộng khắp
trên không gian mạng. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống tin giả, tin xấu độc là
nhiệm vụ quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Trong đó,
cần phát huy lực lượng thanh niên, để vừa nâng cao vai trò, trách nhiệm, vừa
tạo ra “sức đề kháng”, “màng lọc” cho thanh niên khi tiếp cận thông tin trên
không gian mạng hiện nay.

Ảnh: Internet
Tràn lan tin giả, tin xấu độc trên không gian
mạng
Tin giả,
tin xấu độc trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật, không chính
xác và chưa được kiểm chứng, phát tán và lan truyền trên các phương tiện
truyền thông, mạng xã hội (Facebook, Google, Zalo, Yutobe…) làm sai lệch nhận
thức, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. Tin giả, tin xấu độc xuất hiện
trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cả trong quá khứ, hiện tại và tương
lai, đối với mọi lứa tuổi, ngành nghề… Trong đó, tin giả, tin xấu độc xuất
hiện nhiều nhất là các sự kiện mang tính thời sự, hot, thu hút dư luận quan
tâm.
Tin giả,
tin xấu độc biểu hiện ở các dạng chủ yếu: Tin sai sự thật hoặc các thông tin
có phần đúng nhưng sai lệch về bản chất thông tin; Tin giả mạo, xấu độc,
hoàn toàn bịa đặt về một nhân vật, sự kiện nào đó; Tin thật, giả lẫn lộn
kiểu “xôi đỗ” gây hoài nghi, hoang mang dư luận xã hội; Tin chứa nội dung đồi
trụy, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa
truyền thống của dân tộc. Nội dung của những dạng tin giả, tin xấu độc này
rất phức tạp, từ các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa nói chung, đến những
vấn đề cụ thể, mang tính thời sự nóng hổi đang diễn ra trên thế giới, đất
nước, địa phương hoặc một nhân vật, câu nói… nào đó, đang thu hút quan tâm
của dư luận.
Tin giả,
tin xấu độc tràn lan trên không gian mạng và trở thành một vấn nạn nguy hiểm,
thách thức tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Bộ Thông tin
và Truyền thông, “Chỉ trong năm 2020, cơ quan chức năng đã xác định khoảng
100 hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, 14.000 chuyên trang Facebook; hơn 80
kênh YouTube chống phá với tần suất cao, khoảng trên 54.000 video vi phạm
thường xuyên tán phát tin giả có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an
toàn xã hội”[1]. Thủ đoạn của các đối tượng tung tin giả, tin xấu độc chủ yếu
là sử dụng “khoảng trống thông tin”, các chiêu trò “câu khách” bằng các tít
“giật gân”, các hình ảnh, đoạn video ngắn, gây chú ý người xem. Các đội tượng
tung tin giả, tin xấu độc nhằm nhiều mục đích khác nhau: tạo ra vụ lợi kinh
tế; chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân; khủng bố tinh thần và tạo ra dư
luận xã hội để phục vụ các ý đồ đen tối, gây phương hại đến kinh tế, chính
trị, xã hội… của đất nước
Thanh niên không thể đứng nhìn
Thanh
niên là một lực lượng đông đảo của xã hội, nét đặc thù là trẻ tuổi, năng động
và dễ tiếp thu cái mới, nhất là tiếp thu các thông tin trên không gian mạng.
Những năm gần đây, lực lượng thanh niên đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào
việc đấu tranh phòng, chống các tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng.
Thực hiện thông qua việc lồng ghép các nhiệm vụ chính trị, học tập, quán
triệt và thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; chính sách, pháp luật
của Nhà nước và quy chế cơ quan, đơn vị; qua tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh
niên. Đấu tranh với tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng bằng việc viết
các bài báo, bài viết ngắn đăng tải trên mạng xã hội, vừa chia sẻ, lan tỏa
các thông tin chính thống, tin tốt đẹp; vừa đấu tranh phản bác với các tin
giả, xấu độc.
Nhiều
thanh niên tham gia đấu tranh trực diện với tin giả, tin xấu độc trên không
gian mạng của các cơ quan đơn vị Bộ, Ban ngành ở các Tỉnh/ Thành phố và các
địa phương. Nhiều tổ chức Đoàn Thanh niên của các đơn vị đã lập các trang
Bloge nhóm/ cá nhân; các Fanpage trên Facebook; các Group trên Zalo; các
chuỗi video clip trên youtube… triển khai các tuyến bài viết, đăng tải, chia
sẻ các tin, bài viết đấu tranh với tin giả, xấu độc trên không gian mạng.
Trên cơ
sở nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong việc đấu tranh với
tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết
số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (22/10/2018) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong
tình tình mới”; Kết luận số 53-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (04/6/2019),
“Về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông
tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet, mạng xã hội”; lực lượng thanh niên
đã tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc,
phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bác bỏ những luận điệu
chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; đấu tranh phản bác với
những thông tin bôi nhọ, hạ thấp uy tín của lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước
ta… nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội mà chúng ta
đang xây dựng.
Hành động không ngừng của chúng ta
Tin giả,
tin xấu độc trên không gian mạng xuất hiện ngày càng nhiều, cho nên cuộc đấu
tranh phòng, chống tin giả, tin xấu độc tiếp tục diễn ra. Trong đó, lực lượng
thanh niên phải là cơ bản, nòng cốt và tiên phong nhằm góp phần làm “sạch”
thông tin trên không gian mạng. Để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả, thiết nghĩ
cần phải phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên cũng như ý thức trách
nhiệm của mỗi thanh niên.
Đối với
tổ chức Đoàn Thanh niên: Cần tăng cường và đổi mới nội dung, hình thức đấu
tranh phòng, chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng qua các diễn đàn,
các Câu lạc bộ, các Nhóm… để kiến tạo ra “sân chơi” cho thanh niên. Chú trọng
hơn việc kết nối giữa các tổ chức Đoàn trong toàn quốc, trong hệ thống tổ
chức Đoàn của Khối, của cơ quan, Ban ngành. Có thể lập chuyên mục riêng về
đấu tranh phòng, chống tin giả, tin xấu độc cho thanh niên ở các trang mạng;
Cổng thông tin điện tử; trên các Fanpage, các Group Facebook, Zalo… để thanh
niên có thêm diễn đàn đăng các bài viết, bài báo có chất lượng, nhằm lan tỏa,
tuyên truyền các thông tin chính thống, tin tốt đẹp… Tổ chức Đoàn Thanh niên
cần tạo ra nhiều hơn các diễn đàn như: Tọa đàm, Hội thảo, nghe chuyên gia nói
chuyện các vấn đề thời sự, trong đó có việc đấu tranh phòng, chống tin giả,
xấu độc trên không gian mạng. Cùng với đó, tổ chức Đoàn cần có chính sách
khuyến khích, hỗ trợ và kịp thời biểu dương những đại biểu tích cực, đồng
thời có biện pháp xử lý những thanh niên đưa các tin giả, xấu độc lên không
gian mạng.
Đối với
mỗi thanh niên: Thứ nhất, cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các tin giả,
tin xấu độc trên mạng xã hội. Làm chủ kiến thức về các vấn đề chính trị, xã
hội để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ
những nguồn thông tin chính thống. Chấp hành nghiêm các quy định về quyền
thông tin, phạm vi thông tin theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tiếp
cận Thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng 2018; Quy định 37 của Bộ Chính
trị về những điều Đảng viên không được làm đối với đảng viên trong thanh
niên.
Thứ hai,
phải không ngừng phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện
đạo đức và bản lĩnh để vừa có sức “đề kháng”, “tự miễn dịch” trước các thông
tin; vừa tham gia đấu tranh phản bác với những tin giả, tin xấu độc trên
không gian mạng. Đặc biệt, phải học tập, nâng cao trình độ về công nghệ thông
tin, về mạng xã hội, nhất là các kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông
tin, nền tảng số trên không gian mạng… nhằm phục vụ tốt hơn cho việc tuyên
truyền, lan tỏa thông tin tốt đẹp, bác bỏ, gỡ bỏ các thông tin giả, xấu độc
trên không gian mạng./.
|