img
img
Chủ nhật, 24/09/2023 04:36:56
| | Liên kết
  Tuổi trẻ Cà Mau đoàn kết, gương mẫu, xung kích, sáng tạo dựng xây đất nước Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc! Phát huy tinh thần cách mạng tiến công, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế! Tuổi trẻ Cà Mau đoàn kết - gương mẫu - xung kích - sáng tạo - khởi nghiệp Tuổi trẻ Cà Mau phát huy truyền thống cách mạng, xung kích, tình nguyện xây dựng quê hương Cà Mau giàu đẹp!
Chương VIII: Tuổi trẻ Cà Mau xốc tới mùa xuân Đại thắng tiến lên giải phóng quê hương (1969-1975)
Thứ 6, 25/06/2010 04:07:57

CHƯƠNG VIII

TUỔI TRẺ CÀ MAU XỐC TỚI MÙA XUÂN ĐẠI THẮNG TIẾN LÊN

GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG (1969 – 1975)

Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và buộc Mỹ phải xuống thang. Để khỏi phải sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, ngày 1-11- 1968, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom Miền Bắc và bắt đầu rút dần quân đội viễn chinh về nước, thực hiện chiến lược mới “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc phải nói chuyện với Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam. Đó là một thất bại nặng nề của Mỹ. Tuy vậy, Mỹ vẫn chưa từ bỏ dã tâm biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa mới của Mỹ.

Trên chiến trường Cà Mau, địch tập trung nhiều hỏa lực để tiến hành “bình định”. Trước hết, nhằm chiếm lại Năm Căn, một cứ điểm hải quân của Mỹ trước đây để khống chế khu vực rừng Đước. Đồng thời tập trung vào đây một lực lượng quân ngụy lên tới 13.358 tên và hàng trăm tên Mỹ. Ngoài ra, chúng còn phối hợp nhiều giang đoàn, dùng hỏa lực không quân, kể cả máy bay chiến lược B.52 và pháo của hạm đội 7 bắn phá.

Địch hủy diệt vùng giải phóng bằng những đợt oanh tạc của không quân, hải quân, pháo binh. Vườn tạc, làng xóm tiêu điều, đường xá đầy hố bom đạn, đồn địch bủa vây khắp nơi. Cả tỉnh có 408 đồn bót, gấp 7 lần so với năm 1968. Vùng giải phóng bị thu hẹp nhiều, từ chỗ 18 xã và một huyện hoàn toàn giải phóng, nay chỉ còn 3 xã giải phóng không hoàn chỉnh. Tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn ở cơ sở bị tổn thất nghiêm trọng, có 156 chi bộ ấp mất chỗ đứng chân không hoạt động được, 13 xã ủy phải dời sang xã khác, hàng trăm cán bộ, đảng viên, có cả cấp ủy huyện, tỉnh hy sinh. Tổ chức Đoàn ở cơ sở hầu như không còn hoạt động, nhiều đoàn viên và thanh niên, chạy ra khỏi vùng địch kiểm soát để tránh khủng bố. Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn, ác liệt mà nhân dân tỉnh nhà tưởng chừng không vượt qua được.

Đứng trước tình hình cực kỳ nghiêm trọng đó, những cán bộ, đảng viên, đoàn viên và thanh niên trung kiên không thể khoanh tay ngồi yên để cho kẻ thù tiêu diệt.

Tháng 9-1969, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng đề ra nhiệm vụ chống “bình định” của địch, củng cố lực lượng cách mạng, bám dân, bám đất, với phương châm: “Một tấc không đi, một ly không rời”. Tuy phải chịu đựng sự đánh phá ác liệt của địch, nhưng cán bộ, đảng viên, đoàn viên vẫn kiên trì bám dân, bám đất chịu nép bụi, ngủ hầm để tổ chức và động viên quần chúng gây dựng lại phong trào. Có những lúc địch bắt dân ra “Ấp chiến lược”, đảng viên, đoàn viên cũng bí mật ra theo để tổ chức và lãnh đạo quần chúng, cho nên nhiều nơi quần chúng đã nổi dậy ác liệt, phá kềm dành quyền làm chủ như ở phú Mỹ, Phú Hưng (Cái Nước), Khánh Hưng (Trần Văn Thời), Ninh Quới Ninh Hòa (Hồng Dân) và nhiều ấp thuộc các huyện Ngọc Hiển, Thới Bình, Giá Rai, Vĩnh Lộc…

Giữa lúc cuộc chiến đấu của quân dân ta đang diễn ra quyết liệt thì ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của toàn Đảng, của dân tộc, Người Bác vô cùng kính yêu của tuổi trẻ nước ta qua đời. Trung ương Đoàn TNNDCM phát động phong trào hành động “Tuổi trẻ thực hiện di chúc thiêng liêng của Bác Hồ” 1. Tưởng nhớ Người, tuổi trẻ xã Viên An đã cùng bà con cô bác ấp Nhà Hội (Tân Ân) dựng Phủ thờ Bác giữa rừng đước. Bà con cô bác và tuổi trẻ Trí Phải (Thới Bình) đã không ngại ngày đêm mưa gió, có khi cả dưới làn bom đạn của địch, chở đất đắp nền thành nơi cao ráo nhất để lập đền thờ Bác. Chính “Cây vú sữa miền Nam” trồng sau nhà sàn của Bác, được Bác chăm sóc đã đơm hoa kết trái là tặng phẩm của bà con cô bác Trí Phải gửi tặng Người 1.

Biến đau thương thành hành động cách mạng, tuổi trẻ Cà Mau bước vào một cuộc chiến đấu mới đầy gay go và quyết liệt hơn, quyết tâm chiến đấu giữ vững vùng căn cứ cách mạng, đồng thời phá vỡ âm mưu “bình định” của địch.

Đảng bộ tập trung phát động phong trào xây dựng ba thứ quân và hạ quyết tâm đánh địch đi càn quét và “tìm tàu địch mà diệt”. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, nam nữ thanh niên đã hăng hái đi đầu trong việc đắp cản ngăn sông, phá lộ, làm bẩy lửa ngăn chặn địch ruồng càn. Đặc biệt, tuổi trẻ trong lực lượng vũ trang của tỉnh, huyện và du kích xã, ấp đã quyết tâm tìm tàu địch mà diệt bất kể lúc tàu đang chạy hoặc cụm lại có sự bảo vệ nghiêm ngặt.

Với tinh thần dũng cảm và sáng tạo, chỉ trong 3 tháng của năm 1970, tuổi trẻ trong lực lượng vũ trang đã góp phần tích cực bắn cháy và bắn chìm 240 tàu chiến lớn nhỏ, trong đó có 8 tiểu pháo hạm dài 150 mét, diệt trên 2900 tên, trong đó có hàng trăm tên Mỹ. Cả ba thứ quân đều đánh giỏi. Đặc biệt đội du kích ấp Mười Bảy (xã Tân Ân) đã dùng vũ khí tự tạo đánh chìm tàu địch, đơn vị C8 (đại đội 81) vượt mọi khó khăn ác liệt và trở thành đơn vị đánh tàu khá nhất của tỉnh.

Với tinh thần “tìm địch mà diệt”, trưa ngày 3-10-1970, ngay giữa thị xã Cà Mau, nữ chiến sỹ biệt động trẻ tuổi Hồ Thị Kỷ đã dùng mìn diệt nhiều tên cảnh sát địch, bẻ gãy cuộc chuẩn bị đi gây tội ác của chúng, gây chấn động mạnh mẽ, làm hoang mang binh lính, sỹ quan ngụy, cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân, nhất là ở đô thị. Ngày 15-10-1970, theo gương Hồ Thị Kỷ, lực lượng trinh sát vũ trang tỉnh đánh tập kích vào đồn Chú Phụng, diệt tại chỗ 4 tên, bắt sống 1 tên, phá rã toàn bộ một trung đội dân vệ, thu một số súng đạn. Với nhiều chiến công xuất sắc, Hồ Thị Kỷ đã được tuyên dương là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tấm gương mưu trí, dũng cảm, chiến đấu ngoan cường hy sinh anh dũng của chị đã được Tỉnh Đoàn nêu gương và phát động thanh niên toàn tỉnh học tập, noi theo.

Noi gương Hồ Thị Kỷ, cũng trong tháng 10-1970, tuổi trẻ trong lực lượng an ninh vũ trang tỉnh đã mưu trí, dũng cảm chặn đánh cuộc càn lớn của tiểu đoàn 2, trung đoàn 32, sư đoàn 21 ngụy vào thị trấn Thới Bình. Trên đường đi gây tội ác, khi đến Lung Lá, ấp Cả Giữa, xã Tân Lợi, quân ta đã đón lõng, khi 3 chiếc tàu sắt chở bọn chỉ huy lọt vào vòng vây, các chiến sỹ an ninh võ trang đồng loạt nổ súng, bắn cháy 1 tàu, kéo theo 1 trung đội của địch bị chết, trong đó có tên thiếu tá cầm đầu chỉ huy trận càn. Với chiến công này, Ban an ninh huyện Thới Bình đã được Chính phủ cách mạng Lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng huân chương chiến công hạng ba.

Chỉ trong 25 ngày của tháng 12 năm 1970 ta đã tiêu diệt hàng loạt đồn bót, phá vỡ từng mảng hệ thống chiếm đóng của địch trên các tuyến sông Ông Đốc, kinh xáng Thọ Mai, Vàm Đình v.v…Được sự hỗ trợ của mũi tiến công quân sự, trên 5 vạn thanh niên và nhân dân nhiều nơi đã nổi dậy diệt ác ôn, phá kềm kẹp. phá “Ấp chiến lược” của địch, trở về quê củ làm ăn.

Để cứu vãn tình thế, vào những tháng cuối năm 1970 đến năm 1971, địch tiếp tục đẩy mạnh càn quét, đánh phá, gom dân, dồn dân vào “Ấp chiến lược” với sự tập trung cao nhất.

Trong tình hình đó, hoạt động của Đoàn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do địch đánh phá ác liệt, một số thanh niên ở vùng giải phóng phải chạy ra vùng ven, có người chạy vào thị xã, thị trấn, nơi Mỹ - ngụy kiểm soát. Đó là một thực tế đáng lo ngại. Từ đó, Tỉnh Đoàn chủ trương phải tăng cường công tác thanh niên vùng ven (nơi tranh chấp giữa ta và địch) và đô thị (nơi địch kiểm soát) chủ yếu là chống bắt lính và trụy lạc hóa thanh niên của địch.

Năm 1970, các tổ chức Đoàn đã giải thoát cho trên 2000 thanh niên không bị địch bắt lính và hàng nghìn thanh niên vùng ven và đô thị không tham gia các tổ chức phản đông của địch. Thông qua đó, Đoàn đã xây dựng được lực lượng nòng cốt, tạo ra cơ sở để phát triển lực lượng cách mạng. cuộc vận động chống văn hóa đồi trụy phản động và chống quân sự hóa học đường đã được thanh niên ở thị xã Cà Mau cùng thanh niên học sinh hưởng ứng. Thông qua các họt động nói trên, Đoàn đã phát triển được trên 100 đoàn viên bí mật.

Những năm qua bị kẻ địch đánh phá, tổ chức Đoàn bị nhiều tổn thất. Tỉnh Đoàn đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức Đoàn trong cả tỉnh. Năm 1970, đã phát triển trên 2000 đoàn viên mới, củng cố và kiện toàn được 5 huyện đoàn và 21 xã đoàn ở khu vực Cà Mau. Các huyện đoàn và xã đoàn khác ở vùng giải phóng cũng đã được bổ sung lực lượng. Đặc biệt là giải quyết một bước trong việc xóa bỏ những ấp “trắng” đoàn viên ở vùng mới giải phóng. Các cấp bộ Đoàn tích cực chỉ đạo công tác xây dựng chi đoàn vững mạnh. Nhiều nơi đã đưa đảng viên trẻ làm công tác chi đoàn. Số đảng viên mới hầu hết ở tuổi thanh niên.

Để phối hợp hành động trên toàn chiến trường miền Nam, năm 1971, tỉnh đã có 3000 thanh niên tham gia lực lượng Thanh niên xung phong và 4000 thanh niên tòng quân, trong đó có trên 500 đoàn viên bổ sung cho bộ đội chủ lực của khu và của miền. Tuy vậy, số thanh niên xung phong tòng quân vẫn còn rất lớn. Huyện Cái Nước có 683 thanh niên, Trần Văn Thời có 485 thanh niên đăng ký tòng quân chiến đấu. Do đó, lực lượng vũ trang trong tỉnh cơ bản đã được khôi phục. Đến năm 1971 lực lượng vũ trang của tỉnh đã có một tiểu đoàn bộ binh và hai đại đội độc lập, mỗi huyện có một đại đội hoàn chỉnh, mỗi xã có một trung đội và du kích ấp gắn liền với phong trào xây dựng xã, ấp chiến đấu. Tuổi trẻ đã cùng nhân dân tìm kiếm, thu lượm vũ khí, đạn dược của địch bỏ lại sau các trận càn, trang bị lại cho du kích, đồng thời tích cực vận động binh lính địch bỏ ngũ mang vũ khí trở về với nhân dân. Được đông đảo thanh niên tham gia tích cực, lực lượng ba thứ quân của tỉnh được củng cố ngày càng vững mạnh đã bắt đầu hoạt động có kết quả trên tất cả các địa bàn, đánh được nhiều trận chống càn và một số trận diệt đồn, pháo kích vào các cứ điểm lớn của địch như Vàm Đình, chi khu Giá Ngựa, Cái Nước v.v…

Tháng 11-1970, Tỉnh ủy đã ra nghị quyết nhấn mạnh: “Phải gấp rút củng cố lực lượng từ trên xuống, tập trung xây dựng cơ sở, bám trụ địa bàn, ra sức phát động phong trào nhân dân du kích chiến tranh, xây dựng ấp, xã, chiến đấu kết hợp ba mũi giáp công mạnh: “Khẩn trương xây dựng lực lượng về mọi mặt (đông về số, mạnh về chất) trên khắp cả ba vùng (vùng giải phóng, vùng tranh chấp, thị xã, thị trấn). Chú ý phát triển lực lượng ba mũi ở cơ sở, xây dựng chi bộ, chi đoàn bốn tốt”1.

Thực hiện Nghị quyết của Ban thường vụ Trung ương Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng tháng 2-1971, về nhiệm vụ: “Giành, giữ, bảo vệ thanh niên, chống địch đôn quân, bắt lính, phá vỡ vòng vây dân sự”. Tỉnh đoàn và các Huyện đoàn đã phân công các ủy viên Ban chấp hành xuống cơ sở để chỉ đạo công tác chống đôn quân, bắt thanh niên đi lính và chống bình định. Tỉnh đoàn thành lập 2 Đội vũ trang để hỗ trợ và phối hợp chống bắt lính trong thanh thiếu niên và học sinh. Nhờ vậy cơ sở Đoàn dần dần được khôi phục, phong trào thanh niên bắt đầu khởi sắc. Từ chỗ vận động và giúp đỡ thanh niên trốn lính, không đi lính làm bia đỡ đạn chết thay cho Mỹ , đến chống lại việc đôn quân bắt lính, đánh trả bọn đầu sỏ đến dồn ép thanh niên đi lính, dần dần họ thấy việc làm đó là có lợi cho bản thân, cho gia đình và quê hương. Được cán bộ Đoàn và những đoàn viên, thanh niên tích cực giúp đỡ trốn lính an toàn, nhiều anh em đã tự giác tham gia công tác, nhận vũ khí để tự vệ, rồi tham gia du kích. Nhiều anh em đã tình nguyện nhập ngũ, giết giặc lập công.

Nhằm quán triệt chủ trương chuyển hướng chiến lược ở miền Nam của Trung ương, tập trung đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ-ngụy, hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tháng 3-1971 đã nêu nhiệm vụ mới: “Toàn Đảng bộ và toàn quân, toàn dân đẩy mạnh tiến công nổi dậy tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Ra sức phát triển vùng giải phóng về mọi mặt nhằm phát huy tác dụng hậu phương trực tiếp với phía trước”2. Trên tinh thần đó, mỗi xã, mỗi ấp, dựa vào tình hình cụ thể, có kế hoạch chủ động tiến công địch dứt điểm, giải phóng địa phương mình.

Tỉnh đoàn đã mở đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đoàn. Sau khi mở các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở, đợt sinh hoạt chính trị đã được triển khai ở tất cả các chi đoàn và thanh niên trong toàn tỉnh.

Bước sang năm 1971, tuy kẻ địch vẫn tiếp tục đánh phá điên cuồng, nhưng cuộc đấu tranh của tuổi trẻ và nhân dân tỉnh ta không hề giảm sút, mà còn phát triển đều khắp hơn. Tính đến tháng 8-1971, ta đã loại khỏi vòng chiến 6591 tên địch, thu nhiều súng đạn và phương tiện chiến tranh. Thừa thắng xông lên, tuổi trẻ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục giành thắng lợi ngày càng lớn, mở rộng vùng giải phóng, hàng vạn nhân dân trở về ruộng vườn cũ làm ăn sinh sống, xây dựng xã, ấp chiến đấu.

Xây dựng và phát triển tổ chức Đoàn ở cơ sở là công tác rất quan trọng và cấp bách. Do tích cực phát triển đoàn viên nên chỉ sau một thời gian ngắn, toàn tỉnh đã xóa được 60 ấp “trắng”, trong đó Giá Rai 11 ấp, Thới Bình 18 ấp, Cái Nước 24 ấp, Ngọc Hiển 1 ấp, Hồng Dân 6 ấp, Vĩnh Lợi 8 ấp v.v…

Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, đội ngủ cán bộ Đoàn đã được tăng cường. Đảng đã cử nhiều cấp ủy viên và đảng viên trẻ bổ sung cho cán bộ Đoàn. Trong đó Ban chấp hành Tỉnh đoàn được bổ sung 7 đồng chí Tỉnh đoàn ủy viên (có 5 nữ) và 7 cán bộ làm công tác Đoàn ở tỉnh.Đồng chí Ba Thời được cử làm Bí thư Tỉnh đoàn. Bổ sung 29 Huyện đoàn ủy viên (4 nữ), 220 Xã đoàn ủy viên và hàng trăm cán bộ Chi đoàn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tiến hành thường xuyên. Năm 1972, Tỉnh đoàn đã mở được 52 lớp và cùng các Huyện đoàn mở được hàng chục lớp tập huấn cho đoàn viên, thanh niên về các mặt, 40 xã đoàn và gần 200 bí thư và phó bí thư chi đoàn ấp được bồi dưỡng.

Các cấp bộ Đoàn luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi. Ở các vùng giải phóng, tổ chức Đội đã đưa vào nhà trường. Năm 1972, toàn tỉnh đã phát triển được trên 5000 đội viên, trong đó riêng huyện Cái Nước phát triển được trên 2278 đội viên, Ngọc Hiển 729 đội viên v.v…

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, ngoài các hoạt động xã hội như làm công tác Trần Quốc Toản giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình neo đơn, các em còn trồng chuối, nuôi gà, vịt để tặng các anh bộ đội, du kích v.v…Nhiều em còn tham gia đánh giặt với cha anh. Đội du kích “Tý hon” Hàm Rồng (Duyên Hải) chỉ có 5 em đã cùng với anh ấp đội chặn đánh 6 lần phản kích của một tiểu đoàn địch gây cho chúng nhiều thương vong, ngăn không cho chúng vào ấp càn quét, phá phách. Có lần chỉ có 3 em cũng đã đối đầu với một đại đội địch. Em Nguyễn Văn Hài, đội viên, ở ấp Mũi Tràm, xã Khánh Hưng đã dũng cảm dẫn một trung đội địch vào bãi mìn để trả thù cho 5 em của Hài bị máy bay địch giết hại, 26 tên đền tội, trong đó có 1 cố vấn Mỹ. Em hi sinh anh dũng và được truy tặng là “Liệt sĩ thiếu niên tiền phong”.

Do bị thất bại nặng nề trong cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Thủ đô Hà Nội, ngày 27-1-1973, đế quốc Mỹ buộc phải ký kết hiệp định Paris và cam kết rút hết quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam, tôn trọng các quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; cam kết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, chấm dứt sự dính líu quân sự và can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam.

Ngày 29-3-1973, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ. Tướng Uâyoen, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ cùng 2501 lính Mỹ cuối cùng ra khỏi miền Nam Việt Nam.Tuyên bố rút hết quân đội Mỹ và chư hầu, nhưng thực ra Mỹ còn để lại 20.000 nhân viên quân sự trá hình, chỉ huy, hỗ trợ, giám sát quân ngụy. Đồng thời còn duy trì một lực lượng mà chúng gọi là “Lực lượng răn đe” ở Đông Nam Á gồm không quân, hải quân, nhân viên quân sự đội lốt dân sự ở miền Nam nước ta.

Được đế quốc Mỹ hà hơi tiếp sức, Hiệp định Pa-ri ký chưa ráo mực, Nguyễn Văn Thiệu đã hò hét “tràn ngập lãnh thổ”, tung lực lượng thực hiện các “Kế hoạch bình định ba năm”, “Kế hoạch bình định 6 tháng”, “Kế hoạch quân sự Lý Thường Kiệt”, “Kế hoạch xây dựng quân đội” v.v…Mỹ Thiệu lại ra sức bắt lính, đôn quân một cách trắng trợn, đưa 60% quân ngụy đi đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng nhằm xóa thế da báo trên chiến trường.

Tại Cà Mau, chúng đưa tiểu đoàn Biệt động quân 76, lấn chiếm trái phép Thủ Tam Giang (Duyên Hải). Các đồn bót, chi khu trong tỉnh đều bung ra lấn chiếm đất, giành dân với ta.

Trước tình hình ấy, Đảng bộ tỉnh chủ trương: “…quyết tâm đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại hiệp định, bình định nông thôn của địch, làm tan rã, suy sụp ngụy quân, ngụy quyền, đứng vững và phát triển trên các địa bàn trọng yếu, then chốt, làm chuyển biến nhanh so sánh tương quan lực lượng trên chiến trường có lợi cho ta”. Nhằm biến quyết tâm đó của Đảng thành hành động, tất cả cán bộ Tỉnh đoàn và các Huyện đoàn đã dược phân công tỏa về cơ sở, vừa tuyên truyền, giải thích tinh thần nội dung của hiệp định Pa-ri và chủ trương, chính sách của Đảng, vừa tổ chức, phát động quần chúng đấu tranh đòi kẻ địch phải thi hành đúng đắn Hiệp định, đồng thời trừng trị chúng khi chúng cố tình gây tội ác, bất chấp lẽ phải, bất chấp những điều đã ký kết. Các xã đoàn, chi đoàn còn cử nhiều đoàn viên xuống các vùng tranh chấp gần đồn địch, tổ chức, vận động thanh niên và nhân dân chống địch cắm cờ lấn chiếm đất, giành dân với ta. Nhiều đoàn viên, thanh niên đã dũng cãm cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ngay trong các “Ấp chiến lược” của địch. Tranh thủ thời cơ, cán bộ, đoàn viên được phân công, đã đi sâu vào vùng ven, thị xã, thị trấn và cả trong các đồn bót địch phát truyền đơn, khẩu hiệu và giải thích về Hiệp định Pa-ri, giải thích chủ trương của ta cho đồng bào, thanh niên, binh lính địch, do đó khí thế đấu tranh của quần chúng ở đây khá mạnh mẽ. Nhiều cuộc mít tinh đón mừng Hòa bình và đòi ngụy quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành đầy đủ Hiệp định Pa-ri có tới hàng nghìn người dự, sau đó nam nữ thanh niên là những người đi đầu trong các cuộc xuống đường tuần hành, biểu dương lực lượng, trong đó có nhiều thanh niên trong hàng ngũ ngụy quân cũng tham gia. Có những cuộc biểu tình kéo đến tận quận, vận động binh sĩ hưởng ứng Hiệp định

Pa-ri. Ở Cà Mau đã có hơn 20 đồn chịu tiếp xúc với ta, hứa thi hành Hiệp định, không bắn phá, không xâm phạm quyền tự do đi lại của nhân dân.

Thực hiện phương châm “Vừa chiến đấu, vừa xây dựng thực lực cách mạng”, năm 1972, toàn Đảng bộ đã phát triển được 1257 đảng viên, trong đó đại bộ phận là đảng viên trẻ. Qua đó tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, đồng thời củng cố các chi bộ hoạt động trong vùng địch kiểm soát. Đã phát triển trên 2000 đoàn viên thanh niên, 6933 hội viên Hội thanh niên giải phóng, gần 7000 hội viên Nông dân, Phụ nữ. Đó là những hạt nhân nòng cốt trong phong trào cách mạng ở địa phương.

Để khuếch trương thắng lợi to lớn của tuổi trẻ và nhân dân toàn tỉnh trong thời gian qua, đón chào Hiệp định Pa-ri, đón chào hòa bình, ngày 26-3-1973, Tỉnh đoàn đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm lần thứ 42 ngày thành lập Đoàn tại ấp Trần Mót, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước. Hơn 10.000 đoàn viên, thanh niên đại diện cho tất cả các huyện, các thị xã về dự. Các đồng chí bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng và các đồng chí phụ trách các ngành, các đoàn thể đã đến dự và cùng tham gia sinh hoạt truyền thống và hoạt động tập thể với thanh, thiếu nhi. Trong bài diễn văn đọc tại cuộc mít tinh, đồng chí Ba Thời, Bí thư Tỉnh đoàn đã ôn lại truyền thống đấu tranh oanh liệt của Đoàn và tuổi trẻ nước ta nói chung và của tỉnh nhà nói riêng, đồng thời phát động phong trào thanh niên thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng cuộc sống mới và giết giặc lập công.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn, chỉ 6 tháng đầu năm 1973, toàn tỉnh đã có trên 4000 thanh niên tòng quân, trong đó huyện Trần Văn Thời có 287, Thới Bình 218, Giá Rai 161 tân binh. Riêng xã Hưng Mỹ (Cái Nước) đã có 1800 thanh niên tòng quân giết giặc. Đây là thời kỳ thanh niên thi đua tòng quân sôi nổi nhất trong tỉnh.

Đáp ứng yêu cầu và nhiêm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 1-7-1973, Đại hội đại biểu Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam lần thứ II đã khai mạc tại vùng căn cứ Tây Ninh. Đại hội đã đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong 8 năm qua kể từ Đại hội lần thứ nhất (1965) và phát động phong trào “Ba xung phong”, “giành giữ hòa bình”.

- Xung phong đấu tranh chính trị.

- Xung phong tham gia xây dựng lực lượng vũ trang.

- Xung phong xây dựng vùng giải phóng và căn cứ địa cách mạng.

Tại Đại hội, Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã trao tặng phong trào thanh niên và Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam Huân Chương Thành đồng hạng nhất.

Sau Đại hội Đoàn toàn miền lần thứ II, Tỉnh đoàn đã tổ chức triển khai nhanh chóng các quyết định của đại hội.

Ra sức xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh về mọi mặt là một yêu cầu bức bách để bảo đảm cho thắng lợi của cuộc chiến đấu trước mắt, đồng thời phục vụ cho yêu cầu phát triển lâu dài của đất nước. Tổ chức Đoàn thanh niên và Hội Liên hiệp thanh niên giải phóng cùng với Đội Thiếu niên tiền phong đã phát triển đến tận xóm ấp. Cuộc vận động xây dựng chi, phân đoàn và đoàn viên 4 tốt vẫn tiếp tục triển khai thường xuyên và nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn lên một bước. Với tổng số 4.200 đoàn viên, năm 1973 Cà Mau là tỉnh có số đoàn viên cao nhất miền Tây Nam Bộ, cùng với 7000 hội viên Hội Liên hiệp thanh niên và 14.272 đội viên đội Thiếu niên tiền phong. Cũng trong năm 1973, cả tỉnh đã có 1.298 đoàn viên ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng, trong đó huyện Cái Nước có 250 đoàn viên, Châu Thành 149 đoàn viên, trong lực lượng vũ trang 200 đoàn viên có được vinh dự đó. Số đảng viên được kết nạp năm 1974 đã tăng lên 1.500, trong đó có trên 80% là đảng viên trẻ, được trưởng thành từ Đoàn thanh niên, 3000 thanh niên ưu tú đã trở thành đoàn viên và hơn 10.000 thanh niên là hội viên của các đoàn thể quần chúng, động viên được 3610 thanh niên gia nhập các lực lượng vũ trang của miền, của khu, tỉnh, huyện.

Trên địa bàn Cà Mau, quân ngụy bị ta tiến công liên tục ở hầu khắp các huyện, phá nhiều đồn bót, có trận loại khỏi vòng chiến 500 tên. Chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 4-1974, ta liên tiếp đánh thắng địch nhiều trận trong đó diệt 3 đồn, chặn đánh quân tiếp viện diệt gọn 4 đại đội, đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn ở Ngọc Hiển, diệt 2 đồn ở Bình Hưng, thủ tiêu 9 đồn trên đoạn lộ Rau Dừa – Cái Nước, giải phóng hoàn toàn hai xã Hưng Mỹ, Phú Hưng, giải phóng cơ bản xã Lương Thế Trân (ven thị xã Cà Mau). Vùng giải phóng mở ra trên chiều dài 30 km. Đây là thời kỳ Cà Mau giải phóng được nhiều nhất.

Trong mùa khô 1974 – 1975 , địch vẫn cố theo đuổi ý đồ phản kích nhằm giành dân, giành đất với chính quyền cách mạng, nhưng chúng đã không thực hiện được. ngược lại, vùng giải phóng của ta ngày càng mở rộng hơn. Cục diện trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta.

Đầu tháng 10-1974, Bộ chính trị họp và nhận định “Thời cơ chiến lược mới đã mở ra “Xuất phát từ tình hình thực tế ở địa phương, Tỉnh ủy khẳng định “Quyết tâm đánh bại hoàn toàn kế hoạch “bình định” của địch, tiến lên giải phóng tỉnh nhà”.

Do bị thất bại liên tiếp, kẻ địch đã bắt đầu co cụm, phòng thủ trước sức tấn công của ta. Nắm chắc tình hình địch, Tỉnh ủy Cà Mau quyết định huy động mọi lực lượng, kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công, tấn công tiêu diệt địch trên mọi địa bàn, giành thắng lợi liên tiếp.

Với tinh thần “Nước còn giặc còn đi đánh giặc” phong trào thanh niên tòng quân phát triển sôi nổi, mạnh mẽ chưa từng có. Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, bộ đội địa phương tỉnh đã có tới 14 tiểu đoàn và nhiều đại đội độc lập; mỗi huyện có từ 1,2 đại đội đến tiểu đoàn; các xã có hàng đại đội du kích, được trang bị bằng súng đạn tự tạo và cướp được của địch, có những đơn vị được trang bị khá mạnh.

Phong trào đấu tranh chính trị cũng phát triển như vũ bão. Hàng chục ngàn người xuống đường tổ chức thành đội ngũ liên tiếp biểu tình, mít tinh đấu tranh chống chính sách phát xít, chống đôn quân bắt lính, chống càn quét, cướp bóc v.v… Hàng vạn quần chúng xông ra phía trước cùng lực lượng vũ trang, du kích bao vây đồn bót, làm dân công tải thương, tải đạn, tiếp tế phục vụ chiến đấu.

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy ở thời điểm cao nhất theo nghị quyết của Bộ chính trị và kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu, trong tháng 4-1975, Tỉnh ủy Cà Mau đã họp rà soát lại toàn bộ kế hoạch và lực lượng của mình để bảo đảm chắc thắng. Ngoài lực lượng chính trị và binh vận đã giao cho các đoàn thể quần chúng và một số ngành chức năng đảm nhận, phải có một lực lượng quân sự đủ mạnh để đánh vào thị xã, thị trấn, các chi khu và những nơi tập trung quân địch.

Trước sự phát triển của tình hình cách mạng. Tỉnh đoàn chỉ đạo cho các cơ sở Đoàn khẩn trương chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị cờ, khẩu hiệu, ảnh Bác Hồ để làm nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng, nhất là ở vùng ven, ở thị xã, thị trấn và xung quanh các chi khu quân sự của địch. Lực lượng thanh niên xung kích, thanh niên cờ đỏ cũng đã sẵn sàng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an, thu gom chiến lợi phẩm phối hợp với lực lượng vũ trang, hàng ngàn quần chúng đã xuống đường biểu dương lực lượng, tạo sức ép tinh thần đối với ngụy quân, ngụy quyền, lôi kéo được nhiều sĩ quan ngụy đồng tình ủng hộ quần chúng nổi dậy.

Ở Cà Mau, chỉ chưa đầy hai tuần, vừa chuẩn bị, vừa tiến công địch, quân và dân ta đã gỡ được hàng chục đồn, loại khỏi vòng chiến đấu 1.300 tên, giải phóng hoàn toàn 9 xã, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ-ngụy. Đêm 30-4-1975 các mũi tiến công gồm 11 tiểu đoàn bộ binh, 4 đại đội pháo binh hình thành bốn hướng áp sát thị xã Cà Mau, bao vây bức rút phân chi khu Lộ Tẻ (Tân Thành) và đồn số 2 ở hướng Bắc, đồn Ao Kho ở hướng Đông. Đặc biệt lực lượng các mũi chính trị, biệt động đã chiếm giữ trước nhiều nơi trong thị xã. Năm giờ sáng ngày 1-5-1975 các mũi vũ trang và chính trị của ta tiến vào chiếm các mục tiêu quan trọng như Trại giam, Tòa hành chính, khu doanh trại, tiểu khu Cao Thắng, kho vũ khí, trận địa pháo và các công sở của địch. Đến 10 giờ ngày 1-5-1975, ta làm chủ hoàn toàn thị xã Cà Mau. Cờ chiến thắng tung bay ở Tòa hành chính của địch, các đường phố rợp bóng cờ Mặt trận dân tộc giải phóng.

Như vậy trong 2 ngày, 30-4 và 1-5-1975, tất cả các xã và huyện trong tỉnh đều nhất tề nổi dậy cùng với thị xã Cà Mau để tự giải phóng và tiếp tục truy lùng bọn ác ôn, thu gom vũ khí, giữ gìn an ninh trật tự. Đến ngày 2-5-1975, quân và dân ta đã làm chủ toàn bộ tỉnh Cà Mau.

Tuổi trẻ ở thị xã Cà Mau và các vùng phụ cận, với đội ngũ chỉnh tề kéo đến các công sở của địch, các chi khu quân sự, đồn bót v.v…làm nhiệm vụ tiếp quản, thu hồi chiến lợi phẩm, canh phòng và bảo vệ kho tàng, bảo vệ tài liệu, vũ khí, bảo vệ trật tự, trị an. Một bộ phận lùng sục, truy quét tàn quân địch còn lẩn trốn, trừng trị những tên còn ngoan cố chống đối cách mạng, vận động binh lính địch ra trình diện… Một bộ phận đông đảo nam nữ thanh niên lo việc san lấp hố bom, hố đạn trên các đường phố, trong các khu dân cư, sửa sang đường sá, dọn dẹp vệ sinh, đồng thời giúp đỡ bà con hồi cư có nơi ăn, chốn ở, ổn định dần cuộc sống hàng ngày. Do đó chỉ sau một thời gian ngắn, tình hình mọi mặt đã trở lại bình thường. Ngay sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng đã dược thiết lập trong toàn tỉnh. Giải phóng đến đâu, tổ chức Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam,Hội Liên hiệp thanh niên giải phóng, Đội thiếu niên và các tổ chức quần chúng khác được thành lập đến đó. Tỉnh đoàn và các cơ quan của tỉnh chuyển về thị xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo công tác thanh niên và phong trào thanh niên toàn tỉnh. Mọi hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội đi dần vào nền nếp, sát cánh cùng tuổi trẻ cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

Với lòng hân hoan và niềm vui bất tận, tuổi trẻ Cà Mau đón chào hòa bình, mừng vui toàn thắng. Trong suốt hơn 20 năm chiến đấu kiên cường, bất khuất, đầy hi sinh gian khổ để giành độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, tuổi trẻ và nhân dân ta đã ghi thêm vào lịch sử dân tộc một mốc son chói lọi nhất, oanh liệt nhất chưa từng có, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của Đoàn thanh niên và tuổi trẻ Cà Mau anh hùng.

Phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn và nhiệt tình cách mạng sôi nổi, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, tuổi trẻ Cà Mau luôn luôn là lực lượng xung kích hùng hậu trên mọi trận tuyến chiến đấu cùng quân và dân toàn tỉnh đánh bại hết âm mưu thâm độc này đến âm mưu thâm độc khác của Mỹ-ngụy, làm thất bại tất cả các chiến lược quân sự của Lầu Năm Góc ngay trên chiến trường Cà Mau nóng bỏng, ở vùng đất tận cùng cực Nam của Tổ quốc.

Trải qua chặng đường đấu tranh gay go và quyết liệt, Đoàn và phong trào thanh niên Cà Mau đã được rèn luyện và trưởng thành về mọi mặt, xứng đáng với lời khen của Bác Hồ kính yêu “Thế hệ anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng”, nguyện tiếp bước cha anh đi trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
 
  CÁC TIN BÀI KHÁC

TỈNH ĐOÀN CÀ MAU
Số 97, Phan Ngọc Hiển, Phường 5, Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau
Điện thoại: (02903) 815.787 - 831.250  Fax: (02903) 834.423
Giấy phép số197/GP - TTĐT ngày 04/12/2009 của Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Tên miền: 
www.tinhdoancamau.com.vn
Ban biên tập Email:
tinbaiwebsitetinhdoan@gmail.com
Ghi rõ nguồn: "Website Tỉnh đoàn Cà Mau" khi phát hành lại thông tin từ website này.
Số Người Online
hit counter joomla