CHƯƠNG III
TUỔI TRẺ CÀ MAU TÍCH CỰC THAM GIA KHỞI NGHĨA HÒN KHOAI
VÀ CÙNG NHÂN DÂN GIÀNH CHÍNH QUYỀN THẮNG LỢI (1939-1945)
Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ là bước ngoặt lớn trong lịch sử thế giới, đồng thời ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình mọi mặt ở Đông Dương Việt Nam.
Để phục vụ cho chiến tranh, thực dân Pháp ở Đông Dương ban bố lệnh tổng động viên ra sức cướp của, tăng giờ làm, giảm tiền lương của công nhân trong các nhà máy, hầm mỏ, nhất là ráo riết bắt thanh niên đi lính… Mặt khác chúng thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng. Các quyền tự do, dân chủ mà nhân dân và thanh niên giành được trong thời kỳ Mặt trận dân chủ đều bị xóa bỏ. Các tổ chức hợp pháp, công khai của công nhân, thanh niên đều bị giải tán. Địch ra sức bắt bớ, truy lung các chiến sỹ cộng sản.
Tháng 9 năm 1939, Trung ương Đảng ta ra bản “Thông báo cho các đồng chí các cấp” giải thích tình hình thế giới và trong nước, đồng thời đề ra một số chủ trương ứng phó trước mắt. Trung ương chỉ rõ vấn đề tiếp tục khẩn trương củng cố xây dựng cơ sở Đảng và quần chúng, tạo thế đứng vững chắc ở nông thôn cũng như thành thị.
Thực hiện chủ trương của Trung ương và Xứ ủy, Đảng bộ Bạc Liêu đã nhanh chóng khôi phục lại hệ thống tổ chức, lãnh đạo của Tỉnh. Tháng 5/1940, Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh tại Tân Hưng Tây. Các đồng chí Tạ Uyên, đại diện Xứ ủy; đồng chí Phạm Hồng Thám, đại diện Liên Tỉnh ủy Hậu Giang đến dự hội nghị và truyền đạt chủ trương chuẩn bị hành động của Xứ ủy, trong đó có kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa của tỉnh nhà. Hội nghị đã bầu ra Tỉnh ủy mới do đồng chí Trần Văn Thời làm Bí thư.
Triển khai các mặt công tác do Hội nghị tháng 5 đề ra, đến giữa tháng 11-1940, hầu hết các cơ sở Đảng và quần chúng trong tỉnh được khôi phục. Theo chủ trương mới, tổ chức Thanh niên Phản đế ra đời tiếp nối con đường đấu tranh cách mạng của tổ chức Thanh niên Dân chủ. Các chi bộ, các quận ủy trong toàn tỉnh đã cử cán bộ, đảng viên trực tiếp phụ trách công tác Đoàn, coi đoàn viên, thanh niên là đối tượng quan trọng hàng đầu trong kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa, một số xã tuyển chọn những đoàn viên hăng hái, tích cực thành lập tích cực thành lập các đội du kích, trang bị bằng vũ khí thô sơ. Phong trào luyện tập võ thuật, tự sắm giáo mác được đoàn viên, thanh niên sôi nổi tham gia, tạo thành khí thế mạnh mẽ chuẩn bị vùng lên tự giải thoát mình khỏi ách áp bức, bóc lột của ngoại bang và phong kiến. Phong trào thanh niên tham gia cứu nước, cứu nhà dâng lên ngày càng sôi nổi ở Tân Hưng Tây, Phong Lạc, Khánh Bình… các đội du kích, thanh niên bắt đầu được huấn luyện về cách sử dụng súng và kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu. Thí dụ tại Tân Hưng Tây, đội du kích gồm hai mươi mốt chiến sĩ phần lớn là đoàn viên, thanh niên (có 2 nữ chiến sĩ) ngày đêm luyện tập hăng hái và hoạt động tốt, hoàn thành những công tác như bảo vệ cán bộ của Đảng, bảo vệ các cuộc họp, mít tinh của quần chúng cách mạng. Đây là một trong những đội du kích đầu tiên, cũng là tiền thân của lực lượng vũ trang tỉnh nhà. Song song với việc chuẩn bị khởi nghĩa trong đất liền, Tỉnh ủy cử đồng chí Phan Ngọc Hiển cùng các cán bộ cốt cán ra đảo Hòn Khoai để gây dựng cơ sở.
Tháng 6/1940, nước Pháp bị quân đội phát xít hítle chiếm đóng. Nhân cơ hội này, tháng 9/1940 Phát xít Nhật xâm lược Đông Dương. Thực dân Pháp nhanh chóng đầu hàng Nhật. Từ đây nhân dân Việt Nam cùng một lúc bị hai kẻ thù thống trị là thực dân Pháp và Phát xít Nhật. Với ý chí quật cường của mình, nhân dân và tuổi trẻ nước ta nổi dậy chống cả Nhật và Pháp.
Tháng 9/1940, nhân dân Châu Bắc Sơn vùng lên khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương. Khởi nghĩa Bắc Sơn cổ vũ Đảng bộ và nhân dân Nam kỳ đẩy nhanh công cuộc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa của mình.
Trước tình hình quần chúng ngày càng sôi nổi đấu tranh và kẻ địch điên cuồng đánh phá cơ sở của ta, qua nhiều lần thảo luận, Xứ ủy Nam kỳ quyết định sẽ tiến hành khởi nghĩa vào lúc 0 giờ ngày 23/11/1940 ở Sài Gòn và các tỉnh. Xứ ủy cử đồng chỉ Phan Đăng Lưu ra Bắc xin chỉ thị của Trung ương Đảng. Trên cơ sở phân tích tình hình khách quan và các điều kiện chủ quan (chưa chín muồi để khởi nghĩa), nên Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VII quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa. Thế nhưng đến ngày 22/11/1940 đồng chí Phan Đăng Lưu mới về tới Sài Gòn, trong khi đó lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy đã truyền đến các Đảng bộ không có cách nào thu hồi kịp. Do đó, đúng giờ quy định, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở nhiều địa phương, nhưng thiếu sự phối hợp theo kế hoạch. Ở Sài Gòn, địch phát hiện trước nên chúng đã thiết quân luật, thu vũ khí của binh lính người Việt không cho ra khỏi trại. Vì vậy kế hoạch khởi nghĩa của bộ phận binh lính được giác ngộ ở Sài Gòn không thể thực hiện được.
Ở hầu khắp các tỉnh Nam kỳ, đặc biệt là Mỹ Tho, quần chúng nổi dậy chiến đấu rất dũng cảm mà đi đầu là lực lượng đoàn viên, thanh niên dưới sự lãnh đạo của các đảng bộ, chi bộ địa phương. Chính quyền của địch ở một số quận và xã hoang mang, tan rã. Đội viên các đội tự vệ, đội du kích vũ trang mà hầu hết là thanh niên đã chiến đấu hết sức kiên cường. Trong trận đánh quân tiếp viện của địch từ Tây Ninh đến ứng cứu cho quận lỵ. Hóc Môn bị nghĩa quân vay hãm, các chiến sĩ du kích tuy số lượng ít, vũ khí thiếu đã bắn chất tên thực dân ác ôn cùng nhiều lính địch ở Cầu Bông. Tại Mỹ Tho, các đội tự vệ cùng nhân dân đã phá tan bộ máy chính quyền của địch ở 54 trên tổng số 57 xã thuộc các huyện Châu Thành, cai Lậy…Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ Tho, sau này đã trở thành là cờ của Mặt trận Việt Minh, Quốc kỳ của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Quốc kỳ của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Tại Vĩnh Long, một đội du kích gồm 50 chiến sĩ trẻ dưới sự chỉ huy của đồng chí Hồng, một đảng viên 24 tuổi, Bí thư Quận ủy Vũng Liêm đã đánh chiếm và làm chủ quận lỵ một số ngày…
Khởi nghĩa Nam kỳ đã bị kẻ thù dìm trong biển máu, song đó là bài ca tuyệt vời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Khởi nghĩa Nam kỳ cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn trước đó và cuộc nổi dậy của anh em binh lính ở Đô Lương sau đó… báo hiệu một thời kỳ mới của đất nước ta, thời kỳ toàn dân nổi dậy cầm vũ khí đánh đổ bọn cướp nước và bán nước giành độc lập, tự do; thời kỳ của những cuộc Tổng diễn tập chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước tháng 8/1945.
Với hơn 6.000 đồng chí, đồng bào yêu nước bị kẻ thù bắt giam, đày ải, bắn giết hết sức tàn bạo, dã man nhưng biết bao hình ảnh anh hùng vẫn ngời sáng như đồng chí nữ chỉ huy đơn vị du kích Nguyễn Thị Bảy đã làm cho quân thù cảm phục gọi chị là “Hoàng hậu đỏ”. Chị đã nói thẳng vào mặt kẻ thù: “Chúng bay chỉ có thể lấy máu của người cộng sản chứ không thể lấy được một lời cung khai phản bội !”.
Trung ương Đảng ta đã kịp thời chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh chống địch nhằm ủng hộ Nam Kỳ khởi nghĩa, noi theo khí phách của Nam Kỳ khởi nghĩa.
Ngày 5/12/1940, Hội nghị đại biểu các chi bộ Năm Căn được triệu tập. Hội nghị vạch ra kế hoạch tổ chức khởi nghĩa ở Hòn Khoai sau khi phân tích so sánh lực lượng, khó khăn và thuận lợi. Thời điểm được chọn là vào nửa đêm ngày 13/12/1940. Theo kế hoạch trên, sau khi thắng lợi ở Hòn Khoai, lực lượng khởi nghĩa sẽ về phối hợp với du kích Tân Hưng Tây và quần chúng ở các xã chung quanh chiếm Năm Căn rồi triển khai chi viện cho Cà Mau.
Mọi việc chuẩn bị đã được thực hiện thì ngày 12/12/1940, Thường vụ Tỉnh ủy nhận được lệnh đình khởi nghĩa của Liên Tỉnh ủy đối với các tỉnh thuộc Hậu Giang. Thường vụ Tỉnh ủy tức tốc truyền đạt chỉ thị của Liên Tỉnh ủy và tổ chức phân tán nhanh chóng các đội du kích trong đất liền.
Đối với các đồng chí ta ngoài đảo, rất tiếc là không có cách nào chuyển lệnh đình khởi nghĩa kịp. Cùng ngày 12/12/1940, tại Hòn Khoai đồng chí Phan Ngọc Hiển, người được phân công lãnh đạo khởi nghĩa Hòn Khoai nhận được chỉ thị của Tỉnh ủy do đồng chí Bông Văn Dĩa, đảng viên của chi bộ Tân Ân chuyển đến. Đó là chỉ thị tổ chức khởi nghĩa ở Hòn Khoai mà hội nghị Tỉnh ủy ngày 5/12/1940 đã thông qua.1.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phan Ngọc Hiển và đồng chí Bông Văn Dĩa, toàn thể đảng viên mà số đông còn rất trẻ cùng với quần chúng cách mạng và đơn vị du kích của đảo cũng phần lớn là đoàn viên, thanh niên đã nhất tề thực hiện kế hoạch khởi nghĩa với tinh thần dũng cảm vô song. Đúng 23 giờ15’ ngày 13/12/1940, các chiến sĩ khởi nghĩa đã áp sát nơi ở và tấn công diệt tên sếp đảo thực dân Oliviê, thu vũ khí. Sau khi nhanh chóng giành được thắng lợi trọn vẹn mà vẫn bảo đảm được bí mật, bất ngờ, các chiến sĩ khởi nghĩa lên thuyền về đất liền ngay trong đêm để kịp phối hợp với các đơn vị du kích đất liền tiến đến giải phóng thị trấn Năm Căn.
Sáng sớm, khi đoàn quân khởi nghĩa về đến đất liền với lá cờ đỏ sao vàng và băng khẩu hiệu: “ Mặt trận dân tộc phản đế muôn năm”, nhân dân nhất là đông đảo thanh niên Rạch Gốc, đã reo hò vang dội chạy ào ra bãi biển đón đoàn quân chiến thắng. Bọn tề ngụy ở địa phương khiếp sợ chạy trốn vào rừng. Song, như trên đã nói do có lệnh đình hoãn khởi nghĩa và phân tán các đội du kích trong đất liền của Tỉnh ủy nên dù cho quân khởi nghĩa đã đạt thắng lợi trọn vẹn ở Hòn Khoai lúc này lại áp sát Năm Căn nhưng không nhận được lệnh tấn công và cũng không liên lạc được với bộ phận lãnh đạo khởi nghĩa trong đất liền theo kế hoạch trước.
Mặc dầu vậy, trước khí thế của quân khởi nghĩa và để phát huy kịp thời thắng lợi đã thu được, 9 giờ sáng ngày 15/12/1940, lực lượng khởi nghĩa của Hòn Khoai do đồng chí Phan Ngọc Hiển trực tiếp chỉ huy đã tổ chức tấn công vào nhà quận Kiểm lâm. Tên đốc Đông đầu hàng, giao nộp vũ khí cho quân khởi nghĩa.
Thời gian này, trên toàn cục, tại các địa phương nổi lên khởi nghĩa trong nhiều tỉnh thuộc Nam kỳ đều đã bị địch đàn áp đẫm máu. Trưa ngày 16/12/1940, địch ở Cà Mau cho 2 tàu chở lính tiến vào Rạch Gốc. Các chiến sĩ ta rút vào rừng để bảo toàn lực lượng. Biết thực lực ta yếu nên địch tích cực truy quét và bao vây. Đến ngày 22/12/1940, địch vây bắt quân khởi nghĩa tại rẫy Khai Long. Sau hơn 6 tháng giam cầm, tra tấn dã man, ngày 12/7/1941, địch đem một số chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai ra hành quyết tại sân vận động Cà Mau. Tinh thần bất khuất của các đồng chí Phan Ngọc Hiển, Đỗ Văn Sến, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Cự, Đỗ Văn Biên, Nguyễn Văn Cẩn, Ngô Kinh Luân, Nguyễn Văn Bình, Quách Văn Phẩm, Lê Văn Khuyên… sống mãi trong lòng nhân dân và tuổi trẻ Cà Mau. Ngoài các đồng chí bị hành quyết, đế quốc Pháp còn đày ải hàng trăm đảng viên, cán bộ, đoàn viên, thanh niên yêu nước Cà Mau trong các ngục tù đưa ra biệt giam tại Côn Đảo.
Khởi nghĩa Nam kỳ cũng như khởi nghĩa Hòn Khoai phản ảnh lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc cao độ của nhân dân và tuổi trẻ Nam kỳ nói chung, Cà Mau nói riêng, đồng thời để lại những bài học quý báu cho cuộc cách mạng Tháng Tám thắng lợi vẻ vang những năm sau.
Tuổi trẻ Cà Mau đã cống hiến cho đất nước và quê hương những đoàn viên, thanh niên ưu tú. Họ được rèn luyện, trưởng thành trong bão táp cách mạng. Số cán bộ, đoàn viên, thanh niên yêu nước thoát khỏi tay kẻ thù luôn nhớ mãi những tấm gương bất khuất trên pháp trường cũng như trong ngục tù của các đồng chí mình đã tự tìm đường liên lạc với các cơ sở Đảng, cơ sở Đoàn còn lại. Anh chị em tiếp tục kiên cường xây dựng lại tổ chức, đi sâu vào quần chúng thanh niên để giác ngộ họ, hun đúc cho họ lòng căm thù giặc nhằm chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu mới.
Tháng 1 năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước ở vùng Pắc Bó (thuộc tỉnh Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, với tư cách là đại diện của Quốc tế cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng ta. Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình trong nước và thế giới, hội nghị xác định cuộc cách mạng trước mắt là cách mạng giải phóng dân tộc: “….Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi hỏi được độc lập thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được…”. Để tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Pháp – Nhật, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắc là Việt Minh) và các tổ chức cứu quốc trong đó có Đoàn thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Hội nghi xác định: “ Việt Nam thanh niên Cứu quốc Đoàn từ nay là đoàn thể của tất thảy thanh niên từ 18 đến 22 tuổi muốn tranh đấu đánh Pháp, đuổi Nhật”.2
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ, đầu năm 1941, Tỉnh ủy Cà Mau quyết định thành lập khu căn cứ và xưởng sản xuất vũ khí ở U Minh hạ, sau chuyển sang Kinh Ba xã Vĩnh Thuận. Anh chị em làm việc trong xưởng lúc này phần lớn là đảng viên, đoàn viên thanh niên. Xưởng được mở rộng dần và được chuyển giao cho Liên Tỉnh ủy Hậu Giang trực tiếp chỉ đạo để phục vụ chung cho một số tỉnh.
Tuy nhiên, sau khởi nghĩa Nam kỳ, trong đó có khởi nghĩa Hòn Khoai, địch liên tục đánh phá ác liệt vào các cơ sở của ta gây ra những tổn thất lớn cho cách mạng, nhiều đảng viên, đoàn viên bị địch bắt giam cầm, tra tấn dã man. Một số đồng chí hy sinh anh dũng, các đồng chí khác tạm lánh khỏi địa phương để bảo toàn lực lượng. Trong những điều kiện hết sức khó khăn đó, tuổi trẻ Cà Mau vẫn nuôi chí căm thù, một lòng hướng về cách mạng. Đến giữa năm 1942 và đầu năm 1943, phong trào dần dần được khôi phục, cơ sở của Đảng được chấp nối lại, nhiều chi bộ Đảng được củng cố và tăng cường hoạt động. Thời gian này Xứ ủy Nam kỳ cho xuất bản báo : “Tiến lên”, đây là công cụ tuyên truyền, giáo dục và tập hợp thanh niên của các đồng chí đảng viên, cán bộ Đoàn khi tỉnh nhà phải đương đầu với chính sách khủng bố của địch cũng như cơ sở bị rã ở nhiềuu nơi chưa khôi phục kịp. Qua tờ báo, tuổi trẻ Bạc Liêu được giác ngộ về đường lối cứu nước trong tình hình mới của Đảng, được nâng cao lòng căm thù giặc và niềm tin vào lực lượng của nhân dân. Tờ báo trở thành người tổ chức tập thể và qua tờ báo, nhiều chi bộ đã nắm được lực lượng thanh niên yêu nước của địa phương tiến tới tổ chức anh chị em vào tổ chức “Thanh niên tuyên truyền xung phong”.
Lực lượng “Thanh niên tuyên truyền xung phong” được hình thành ở nghiều địa phương trong tỉnh. Phương tiện hoạt động của họ là báo “Tiến lên”. Nội dung tuyên truyền cho đồng bào và thanh niên đều lấy ra từ tờ báo. Với bản chất yêu nước, hăng hái hoạt động, tiếp cận thanh niên với đường lối cứu nước của Đảng, từ “Thanh niên tuyên truyền xung phong”, nhiều anh chị em đã phấn đấu tốt trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng. Khi chủ trương xây dựng và phát triển Đoàn thanh niên cứu quốc theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Thanh niên truyên truyền xung phong đã được phát triển khá rộng.
Các chi bộ đã lựa chọn từng cá nhân tích cực trong các tổ, nhóm thanh niên tuyên truyền xung phong để kết nạp vào Đoàn thanh niên Cứu quốc. Cũng có lúc chuyển cả tổ, nhóm thanh niên tuyên truyền xung phong thành tổ, nhóm thanh niên cứu quốc.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương. Trước diễn biến mới rất quan trọng này, ngày 12/3/1945 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, hướng dẫn các Đảng bộ trong cả nước tích cực chuẩn bị lực lượng, kịp thời hành động khi thời cơ xuất hiện. Để kịp thời tăng cường và thống nhất sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, ngày 5/5/1945, tại Tân Bằng diễn ra hội nghị đại biểu các chi bộ Cà Mau. Hội nghị thành lập cơ quan lãnh đạo Tỉnh Đảng bộ lâm thời do đồng chí Trần Văn Đại làm Bí thư.
Từ mùa hè năm 1945, phong trào chung trong tỉnh có bước phát triển vượt bậc. Hai lực lượng cán bộ của tỉnh là một số các đồng chí trong tù thoát khỏi nơi giam cầm, một số đồng chí tạm lánh khỏi địa phương đã liên lạc được với nhau mà nhanh chóng trở về địa phương. Lực lượng thanh niên yêu nước, nhiệt tình cách mạng tại chỗ được các tổ chức Thanh niên Cứu quốc tiếp cận và tuyên truyền giác ngộ đưa vào Đoàn, hay các đảng viên cộng sản trực tiếp tuyên truyền giác ngộ đưa vào Đoàn, hoặc các chi bộ trực tiếp nắm lấy xây dựng thành từng tổ, nhóm phục vụ cho công tác của Đảng.
Báo “Độc lập” cơ quan của tỉnh lâm thời, tuy số lượng phát hành hạn chế, song được Đoàn dung làm công cụ tuyên truyền, cổ vũ, tập hợp thanh niên trong tỉnh nên gây được ảnh hưởng rộng.
Phong trào yêu nước của tuổi trẻ Cà Mau lúc này phát triển hết sức sôi nổi. Phần lớn đảng viên trong Đảng bộ còn ở tuổi thanh niên như tất cả đảng viên trong chi bộ Bảo An Đoàn của chính quyền thân Nhật đóng ở thị xã Bạc Liêu do đồng chí Nguyễn Huân làm Bí thư đều còn rất trẻ.
Thanh niên Tiền phong phát triển thành một phong trào rất rộng ở hầu khắp các tỉnh Nam bộ do từ đầu Xứ ủy Nam kỳ đã cử các đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng trực tiếp nắm lực lượng này để tạo điều kiện tập hợp các tầng lớp thanh niên, kể cả thanh niên trong các tôn giáo một cách nhanh chóng, kịp thời. Như trên đã nói, Thanh niên Tiền phong ở Cà Mau do Đảng bộ chủ động nắm từ đầu nên có thuận lợi trong quá trình chỉ đạo xây dựng lực lượng, gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa khi có thời cơ theo tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng ta.
Được sự chỉ đạo của Xứ ủy, Đảng bộ Cà Mau chủ trương thành lập các đơn vị võ trang đầu tiên của tỉnh nhà vào mùa hè 1945. Thành phần trong các đơn vị vũ trang này bao gồm tuyệt đại bộ phận là đoàn viên, thanh niên. Anh chị em say sưa luyện tập quân sự và tự tìm cách trang bị vũ khí cho mình.
Giữa lúc cuộc Tổng khởi nghĩa đang được khẩn trương chuẩn bị trong toàn Đảng, toàn dân thì cơ hội ngàn năm có một đã đến. Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Sau khi tiêu diệt Phát xít Đức – Ý, ngày 8/8/1945 Liên Xô tuyên chiến với Nhật. Chỉ trong thời gian ngắn quân đội Xô viết anh hùng đã tiêu diệt hoàn toàn đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật gồm hơn 1 triệu tên. Phát xít Nhật buộc phải đầu hàng Liên Xô và Đồng minh không điều kiện.
Từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp ở Tân trào. Hội nghị nhận định “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới” 1 quyết định phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945 Đại hội quốc dân khai mạc tại Tân Trào thông qua mười chính sách mới của Việt minh, thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa, bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Trung ương tức Chính phủ lâm thời do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc này lấy tên là Hồ Chí Minh làm chủ tịch.
Lệnh tổng khởi nghĩa được truyền nhanh trong toàn Quốc. Vào những giờ phút này, không khí cách mạng của toàn dân Cà Mau – Bạc Liêu đã phát triển lên tới cao điểm. Quân Nhật đóng ở thị xã vội vàng rút về Cần Thơ sau khi nghe tin Chính phủ Nhật đã đầu hàng, bỏ lại bọn tay sai bù nhìn hoang mang, giao động, tuy nhiên trong chúng ta vẫn còn lực lượng bảo an và cảnh sát vũ trang.
Lúc này ta chuẩn bị lực lượng quần chúng nổi dậy ở tư thế sẳn sang, trong đó có lực lượng xung kích đi đầu là các đội thanh niên vũ trang, Thanh niên Cứu quốc, Thanh niên Tiền phong… Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ với khẩu hiệu hành động khẩn cấp là… “Vùng lên, thời cơ ngàn năm có một đã tới !”.
Sáng ngày 20/8 đồng bào quần chúng, đi đầu là lực lượng thanh niên võ trang với băng, cờ, biểu ngữ gộp trời hô vang khẩu hiệu…
“Mặt trận Việt Nam muôn năm !”
“Chính quyền về tay nhân dân!”
Lá cờ đỏ sao vàng lại một lần nữa tung bay trước gió (Sau cuộc khởi nghãi Nam kỳ) làm nức lòng đồng bào và Thanh niên Bạc Liêu. Bảo an binh và cảnh sát vũ trang một phần khiếp sợ trước uy vũ của quần chúng, một phần do ta đã tuyên truyền, giác ngộ được khá đông anh em nên họ giữ nguyên vị trí và không chịu can thiệp theo lệnh trên. Trước tình thế bất ngờ này, Tỉnh trưởng hốt hoảng xin được chờ ý kiến của cấp trên.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh ra đời do đồng chí Lê Khắc Xương làm chủ nhiệm, ông Cao Triều Phát đại diện Cao Đài Minh chơn đạo làm phó chủ nhiệm. Tiếp theo là Ủy ban giải phóng dân tộc tỉnh được thành lập.
Từ 20 đến 23 tháng 8 năm 1945, ta cử đoàn đại biểu trực tiếp gặp Tỉnh trưởng nhiều lần để yêu cầu y cùng thuộc hạ trao lại chính quyền cho Ủy ban giải phóng nhưng tên này vẫn tìm cách thoái thác. Trong thời gian này các lực lượng thanh niên võ trang, Thanh niên Cứu quốc, Thanh niên Tiền phong phối hợp với các Đoàn thể nông dân hội, Phụ nữ… vẫn liên tục biểu dương lực lượng hầu như đã làm chủ hoàn toàn thị xã. Các lực lượng thanh niên võ trang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và sẳn sàn đối phó với phản ứng xấu của địch. Số anh em bảo an binh, cảnh sát là cơ sở của ta đã bí mật đưa lực lượng vũ trang thanh niên một số súng đạn cần thiết.
Sáng sớm ngày 23/8/1945, một lần nữa Ủy ban giải phóng đã huy động quần chúng kéo đến Dinh Tỉnh trưởng. Lần này các đội võ trang thanh niên được tăng cường trang bị với vũ khí và với tinh thần đấu tranh quyết liệt. Lực lượng bảo an binh ngã về phía nhân dân sau khi được thuyết phục. Không còn con đường nào khác, lúc 9 giờ 30’ Tỉnh trưởng phải đầu hàng, giao lại chính quyền cho Ủy ban giải phóng. Đồng chí Tàu Văn Tỵ, thay mặt Ủy ban thông báo trước đồng bào… “ Chính quyền đã về tay nhân dân”, trước sự reo hò vang dậy. Đoàn biểu tình đi đầu là các đội võ trang thanh niên diễu hành giương cao cờ đỏ sao vàng. Ngay chiều hôm đó 23/8 tại sân vận động thị xã đã diễn ra cuộc mít tinh lớn chào mừng Ủy ban giải phóng tỉnh ra mắt nhân dân. Vị đại diện Uỷ ban đã giới thiệu tóm tắc chương trình mười điểm của Mặt trận Việt Minh ở Cà Mau, ngày 25/8 Tỉnh ủy huy động lực lượng quần chúng gây áp lực mạnh với ngụy quyền bù nhìn trước thái độ kiên quyết của ta, tên Đốc Phủ Kế buộc phải bàn giao chính quyền cho Ủy ban dân tộc giải phóng quận Cà Mau.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Cà Mau và Bạc Liêu đã thành công rực rở. Đây là cuộc khởi nghĩa diễn ra cùng ngày với các cuộc khởi nghĩa ở một số tỉnh, thành như ở Cố đô Huế, Tân An… Lá cờ đỏ sao vàng từng thắm máu biết bao anh hùng, liệt sỹ đã phất phới tung bay nơi tận cùng Tổ quốc Việt Nam yêu quý. Tuổi trẻ Cà Mau tự hào với những cống hiến xuất sắc của mình trong suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa kể từ những ngày khó khăn, gian khổ nhất với sự lãnh đạo của Đảng bộ. Thanh niên Tiền phong tuyên bố gia nhập Mặt trận Việt Minh và sau đó kết thúc vai trò lịch sử với tư cách là một phong trào yêu nước của tuổi trẻ Nam bộ nói chung, Cà Mau nói riêng. Thanh niên Cứu quốc Đoàn hoạt động công khai dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ. Chỉ sau 3 năm, từ chổ địch bị đánh phá dữ dội, bắt bớ giam cầm hàng nghìn cán bộ, đoàn viên, thanh niên sau khởi nghĩa Nam kỳ, vậy mà giờ đây, trong Cách mạng Tháng Tám, Thanh niên Cứu quốc Đoàn đã tạo dựng được cho mình một lực lượng lớn làm đội xung kích đi đầu trong cuộc đấu tranh tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân. Được như vậy là do sự quan tâm lãnh đạo của Đảng bộ, sự cố gắng phấn đấu hy sinh của biết bao cán bộ, đoàn viên, thanh niên vì lý tưởng độc lập, tự do cho Tổ quốc Việt Nam yêu quý. |